Lỗi máy tính bị màn hình xanh chữ trắng hay còn gọi là máy bị Dump hay BSOD (Blue Screen Of Death) là một lỗi thường gặp trên các máy tính cài hệ điều hành windows. Lỗi này có rất nhiều nguyên nhân, có thể do phần cứng lẫn phần mềm. Cách nhận biết chính xác lỗi Dump xuất phát từ đâu tương đối khó. Tuy nhiên ở một số trường hợp cụ thể bạn sẽ dễ dàng khoanh vùng thành phần nghi vấn và loại bỏ lỗi này.
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra danh sách một số nguyên nhân làm cho máy tính bị màn hình xanh chữ trắng (viết tắt là Dump) và cách để sửa lỗi tương ứng với từng trường hợp.
Toàn bộ nội dung bài viết được tổng hợp thực tế từ quá trình sửa chữa máy tính cho bạn bè người quen của mình . Có thể không chính xác 100% và cần bổ sung nhiều. Bạn đọc có thể đóng góp ý kiến thông qua chức năng bình luận ở cuối bài viết. Phương pháp chủ yếu là dùng cách loại trừ, làm từng bước mỗi bước đều khởi động lại để kiểm tra, nếu không được chuyển qua bước tiếp theo.
Lưu ý: Để cho quá trình kiểm tra và xác định lỗi chính xác nhất. Trước khi đọc phần tiếp theo bạn nên làm những thao tác sau:
- Tiến hành dùng Norton Ghost hoặc phần mềm tương tự sao lưu lại hệ điều hành đang dùng.
- Dùng mắt thường kiểm tra xem trên mainboard có tụ điện nào bị phù hay không.
- Vệ sinh kỹ chân RAM và khe gắn RAM, đồng thời kiểm tra trên RAM xem có chip, IC hay tụ điện nào bị lỏng hay rớt ra hay không.
- Gắn chặt lại các dây cáp nguồn, cáp nguồn CPU, cáp ổ cứng, cáp USB, cáp âm thanh…
1. Máy tính Dump khi vừa khời động xong BIOS Chưa thấy được màn hình boot của hệ điều hành (Giai đoạn hiện Logo và thanh loading)
Nguyên nhân của tình huống Dump này đa phần là do lỗi về ổ cứng. Có thể là do chọn sai chuẩn nhận diện ổ cứng (IDE SATA) hoặc ổ cứng bị bad ngay những sector đầu. Bên cạnh đó cũng có thể do Mainboard RAM hoặc hệ điều hành. Tuy nhiên ít gặp hơn. Bạn nên tập trung vào ổ cứng
Cách sửa lỗi như sau:
- Vào BIOS chuyển chuẩn nhận diện ổ cứng sang dạng còn lại (đang là IDE chuyển thành SATA hoặc ngược lại)
- Sau đó khời động lại máy, nếu vẫn không hết bạn tiến hành quét BAD Sector cho ổ cứng (Dùng Hirenboot > Hardisk Tools > HDD Regenerator)
- Nếu kết quả không có bad và delay sector. Bạn thử thay RAM khác.
- Thay RAM vẫn không hết bạn nên tiến hành cài mới lại windows.
- Và cuối cùng nếu cài win vẫn không hết, bạn nên mượn một mainboard thông số tương tự (tốt nhất là cùng model) để gắn vào và kiểm tra.
2. Máy tính bị Dump khi đã xong màn hình boot của hệ điều hành.
Nguyên nhân chính của tình huống này đa phần là do Driver của windows chưa chính xác hoặc các phần mềm chạy khi khởi động bị xung đột
Cách chống lảo hoá hiệu quả
Cách sửa lỗi:
- Tiến hành khời động vào chế độ Safe Mod (ấn liên tục phím F8 khi vừa load xong BIOS)
- Gỡ các driver của thiết bị và tắt toàn bộ các chương trình khởi động cùng windows
- Khởi động lại windows nếu vào bình thường, tiến hành cài đặt đúng driver của máy (nên lên trang chủ của hãng để download cho chính xác)
- Trường hợp vẫn không vào được, tiến hành đổi RAM hoặc cài lại windows
3. Máy tính bị Dump khi sử dụng một phần mềm cố định nào đó.
Nguyên nhân chính có thể dễ dàng xác định là do phần mềm và hệ điều hành bị xung đột. Cũng có thể do windows bị lược bỏ bớt thành phần nào đó cho nhẹ. hoặc bộ cài đặt phần mềm có vấn đề
Cách sửa lỗi:
- Tìm kiếm bản cài đặt khác tiến hành cài lại phần mềm bị lỗi.
- Cài đặt lại windows để chắc chắn rằng windows ổn định (nên cài không nên ghost).
- Tốt nhất sau khi cài windows và đầy đủ driver bạn nên cài phần mềm đó trước tiên và kiểm tra ngay.
- Nếu không khả quan, hãy thử nâng cấp hệ điều hành của mình lên phiên bản mới hơn XP -> Win 7 -> Win 8…
4. Máy bị Dump khi vào một thư mục cố định:
Nguyên nhân có thể xác định là do ổ cứng có vấn đề. Bạn nên tiến hành quét bad và delay sector cho ổ cứng của mình (Dùng đĩa CD Hirenboot > Hardisk Tools > HDD Regenerator)
5. Máy bị Dump ngẫu nhiên và không theo một quy tắc nào cả
Trong các tình huống trên, dump dạng này thật sự là đau đầu cho cả thợ sửa máy tính lẫn người sử dụng. Vì cơ bản bạn rất khó để xác định máy đã thật sự hết dump chưa, cách tốt nhất là thử từng bước và sử dụng. Trong quá trình sử dụng nếu bị lại ta tiến hành bước tiếp theo
Các bước sửa lỗi (làm theo thứ tự, mỗi bước lại tiến hành sử dụng để xem còn bị dump hay không?)
- Cài mới lại windows (nhớ cài phần mềm diệt virus để loại bỏ nguyên nhân do virus)
- Cài đặt chính xác các driver của máy
- Sử dụng thanh RAM khác (Nếu máy có nhiều hơn 1 thanh hãy sử dụng riêng lẻ từng thanh để kiểm tra)
- Thay thế tạm thời bằng một mainboard tương tự (tốt nhất là cùng model)
6. Lời kết:
Đây được xem là 5 trường hợp máy bị màn hình xanh phổ biến nhất, bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác nhưng dễ xác định hơn, chẳng hạn gắn thêm thiết bị (RAM Card VGA Ổ cứng), cài phần mềm mới… Các bước sửa lỗi nói trên có thể phải can thiệp vào BIOS, cài lại hệ điều hành, kiểm tra và thay thế phần cứng… những thao tác này sẽ khó khăn hơn nếu bạn là dân văn phòng và không rành lắm về máy tính. Tốt nhất nếu cảm thấy không tự tin lắm, hãy liên hệ với dịch vụ sửa chữa máy tính uy tín gần nhất để họ thực hiện
Chúc bạn thành công!